Tỉnh ta đã bước vào đầu mùa mưa, thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời gian ngắn, dông, lốc, sét… có thể đe dọa tài sản, tính mạng của người dân. Do đó, các địa phương cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống giảm nhẹ thiên tai ngay đầu mùa mưa.
Những ngày mưa bão, tàu cá về neo đậu tránh trú tại khu vực ấp An Ninh, xã Bình An (Châu Thành).
THIỆT HẠI DO MƯA DÔNG
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt thiên tai bất thường đã gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản và tính mạng của nhân dân. Tháng 4-2020, trên địa bàn hai xã Vân Khánh Tây và Vân Khánh (An Minh) xuất hiện mưa lớn kèm lốc xoáy làm thiệt hại 37 căn nhà, trong đó 6 căn bị sập hoàn toàn, 31 căn bị tốc mái. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện An Minh điều động lực lượng cứu hộ, phối hợp cùng người dân địa phương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai khắc phục hậu quả. Vụ thiên tai không gây thiệt hại về người, nhưng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Chính quyền địa phương đã kịp thời thống kê thiệt hại, phối hợp các cơ quan, ban, ngành tỉnh đến thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, giúp người dân xây dựng, sửa chữa lại nhà ở, ổn định cuộc sống. Cuối tháng 5-2020, trận mưa lớn xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận làm sập và tốc mái 10 căn nhà, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện phối hợp chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ tiền, nhân lực giúp người dân khắc phục hậu quả…
Theo đồng chí Lê Xuân Hiền - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, tỉnh ta đang bước vào thời kỳ đầu mùa mưa. Đây là thời điểm thường xảy ra những cơn dông, lốc xoáy và sấm sét đe dọa tính mạng, sản xuất, đời sống của người dân. Từ nay đến cuối năm 2020, trên Biển Đông có thể xuất hiện từ 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, bảo vệ tài sản trong mùa mưa bão.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, khắc phục, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn kèm theo dông lốc, sét trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão năm 2020, hiện Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, huyện tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai ngay đầu mùa mưa. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp lực lượng biên phòng thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh để đưa vào quản lý, thực hiện kiểm tra trang thiết bị an toàn trên tàu cá, tổ chức tập huấn hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền, trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn của ngư dân khi hoạt động trên biển.
Các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân xây dựng công trình, nhà kiên cố, thường xuyên gia cố, chằng chống nhà để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng khi dông, lốc xảy ra. Các huyện, thành phố tổ chức chặt tỉa cây xanh gần nhà dân, lưới điện nhằm tránh gãy đổ. Các cơ quan chức năng kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, panô, áp phích, các khu vực tạm bợ và dàn giáo công trình đang thi công để tránh đổ, ngã gây nguy hiểm.
Đồng chí Nguyễn Huỳnh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh khuyến cáo, khi bất ngờ gặp lốc xoáy, người dân không chạy cùng hướng đường đi của lốc xoáy, nhanh chóng tìm nơi đất trũng thấp, nằm sát xuống, trú vào cống, nhảy xuống hố hay tìm chỗ trú ẩn an toàn nhất. Người dân không đứng gần, trú tránh dưới cây to, nhà thô sơ, cột điện… để tránh bị va đập, đè hoặc bị điện giật khi mưa, dông xuất hiện. Đối với phòng, chống sét đánh, người dân cần theo dõi thông tin dự báo thời tiết, bố trí thiết bị chống sét khi xây dựng nhà ở, các công trình. Khi ở ngoài trời, mưa dông, sấm sét xuất hiện, người dân nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, không trú mưa dưới các gốc cây, gò cao, nơi có nước, không đứng thành nhóm người gần nhau và tìm nơi thấp hơn để tránh; tránh xa các vật dụng bằng kim loại, trạm biến áp, cột, đường dây điện, tuyệt đối không sử dụng điện thoại… Khi ở trong nhà cần ngắt nguồn điện các thiết bị; không đứng gần cửa sổ, cửa ra vào, các dây điện hay cáp điện thoại; hạn chế sử dụng điện thoại khi có dông, sét.