Những ngày cuối tháng 5, về xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) dễ dàng gặp cảnh nhộn nhịp thu hoạch tôm càng xanh. Sau hơn 10 năm chuyển đổi, với tổng diện tích hơn 5.000 ha, Vĩnh Bình Bắc được xem là “thủ phủ tôm càng xanh” của Kiên Giang. Theo thời gian, con tôm càng xanh không chỉ chứng minh giá trị kinh tế mà còn là cầu nối gắn kết tình làng, nghĩa xóm ở mảnh đất vùng sâu, vùng xa này.
Sau nhiều năm trồng cây khóm không đạt hiệu quả cao, khoảng 10 năm trở lại đây, nông dân Vĩnh Bình Bắc chuyển qua nuôi tôm càng xanh. Lúc đầu bà con chỉ chuyên canh tôm càng xanh nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, bà con đã nuôi xen tôm càng xanh và tôm thẻ chân trắng để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Mỗi năm, bà con nông dân ở Vĩnh Bình Bắc nuôi khoảng 3 vụ tôm càng xanh. Đến kỳ thu hoạch, thương lái sẽ đến kiểm tra, thỏa thuận giá và người thu hoạch tôm chính là hàng xóm của chủ ruộng.
Vào những ngày thu hoạch, ruộng tôm đông như hội. Nhiều gia đình tạm gác việc nhà để sang giúp hàng xóm. Với họ, đây là cách vần công để vài hôm sau đến mình thu hoạch tôm thì hàng xóm qua tiếp lại.
Sau khi bơm cạn nước, những người đàn ông sẽ phụ trách thu hoạch tôm và vận chuyển vào trong sân nhà.
Phía trong sân nhà có một chỗ lót bạt chuẩn bị sẵn, chị em phụ nữ sẽ phụ trách rửa sạch, lựa, phân loại tôm.
Những con tôm lớn được cân bán cho thương lái. Còn tôm nhỏ được chủ ruộng rọng để thả nuôi lại.