Trước tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo phòng chống, dập tắt dịch bệnh.
Người dân huyện Tân Hiệp sản xuất lúa Hè Thu.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực ít bị tác động, từng bước thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định về phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết chuyển mùa, dự báo, cảnh báo để giúp nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa Hè Thu đang phát triển tốt, nuôi trồng thủy sản hiệu quả, đặc biệt là tôm nuôi, thực hiện nhanh tái đàn gia súc và gia cầm, nhất là tái đàn lợn vừa giúp nông dân tăng thu nhập kinh tế gia đình, vừa cung ứng lợn thương phẩm cho nhu cầu thị trường. Tổ chức sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và hiệu quả, vừa bù đắp những thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây ra, giúp nông dân tháo gỡ khó khăn, vừa tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trạng thái bình thường mới.
Theo đó, tỉnh phấn đấu xuống giống đạt kế hoạch 284.000 ha lúa Hè Thu, năng suất bình quân 5,49 tấn/ha, sản lượng hơn 1,55 triệu tấn. Đến đầu tháng 6, toàn tỉnh đã gieo sạ 205.000 ha, thu hoạch khoảng 10.000 ha lúa Hè Thu sớm, năng suất bình quân 5,5 tấn/ha. Hiện, lúa thường (khô) có giá 6.000 - 6.200 đồng/kg, lúa chất lượng cao (khô) 7.200 - 7.400 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi, sản xuất được mùa, được giá.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác khuyến nông, khuyến cáo nông dân giao sạ dứt điểm vụ lúa Hè Thu theo lịch thời vụ, hướng dẫn bà con chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh gây hại để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, tăng giá trị lúa hàng hóa.
Cùng với đó, tỉnh chuẩn bị kế hoạch xuống giống 72.000 ha lúa Thu Đông ở những vùng sản xuất có điều kiện thuận lợi, phấn đấu năng suất 5,2 tấn/ha, sản lượng thu hoạch hơn 375.000 tấn.
Tiếp đến, tỉnh tập trung thực hiện tái đàn gia súc và gia cầm, nhất là tái đàn lợn, với các loài nuôi chủ lực như: Lợn siêu nạc, vịt siêu trứng, gà nuôi theo hướng an toàn sinh học… Vận động, khuyến cáo doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân có điều kiện để nuôi gia công lợn, gà đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh chủ động thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc và gia cầm, hỗ trợ hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tái đàn lợn theo đúng quy trình kỹ thuật, an toàn sinh học, đúng quy định hiện hành. Đến cuối tháng 5, toàn tỉnh tái đàn lợn hơn 40.000 con, đã xuất trại lợn thương phẩm khoảng 9.000 con.
Đối với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ phấn đấu thả nuôi đạt kế hoạch 130.700 ha, với các loại hình nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, tôm - lúa, quảng canh - quảng canh cải tiến; sản lượng tôm thu hoạch 85.000 tấn trở lên. Đến đầu tháng 6, toàn tỉnh đã thả nuôi 126.440 ha, đạt gần 96% kế hoạch năm 2020, sản lượng tôm thu hoạch hơn 37.500 tấn, đạt 38,5% kế hoạch, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Hiện, giá tôm nguyên liệu đang tăng lên, tôm sú loại 30 con/kg giá 145.000 - 150.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 100 con/kg giá 90.000 - 95.000 đồng/kg.
Cùng với đó, tỉnh phát triển nuôi cá lồng bè trên biển, quanh các đảo, nuôi cua, phát triển mạnh mô hình lâm - ngư kết hợp, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như: Hến, sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa… và một số đối tượng có giá trị khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: Tỉnh đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu của thị trường. Tỉnh hỗ trợ phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi sản xuất giống, thức ăn, nuôi trồng và tiêu thụ kết hợp quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, thức ăn, thú y thủy sản và kiểm soát dịch bệnh. Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú, tôm - cua kết hợp… Tỉnh sắp xếp lại nuôi cá lồng bè trên biển gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở các bãi bồi, bãi triều ven biển hợp lý, phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên để tăng năng suất, sản lượng…
Theo đó, tỉnh Kiên Giang dự báo giá trị tăng thêm của sản xuất nông nghiệp trong quý II đạt hơn 8.766 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ; quý III đạt hơn 7.665 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ và lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt 4,8%, tăng gần 2% so với kế hoạch.